Cẩm nang

Biện pháp thi công tô ( trát ) công trình xây dựng

Mục đích cần tuân thủ để hoàn tất công tác tô (trát) tường từ lúc bắt đầu nhận hiện trường cho đến lúc có thể bắt đầu công tác khác.
  Biện pháp thi công tô trát công trình xây dựng - Giá khoán Xây dựng

I.     HƯỚNG DẪN :

Lớp vữa được tô lên tường sau khi khô cứng sẽ có tác dụng giữ cách nhiệt, cách âm, chống cháy và bảo vệ các kết cấu của ngôi nhà không bị mục hỏng. Sau khi tô vữa thì có thể sơn, với các màu sắc khác nhau, làm cho các gian phòng thoáng đẹp và sạch sẽ. Nếu vữa được pha trộn cẩn thận và đúng phương pháp thì lớp vữa tô sẽ rất bền, có thể giữ được hàng trăm năm.

A.  Công tác trát :

1.   Công tác chuẩn bị :

1.1.    Trước khi tô tường gạch cần phải sửa trước những chỗ lồi, lõm, cạo rêu, đất bám ở mặt tường và bố trí giàn giáo. Giàn giáo thường được bố trí từ góc ra ngoài, từ 6 m đến 10 m cho đủ dây chuyền hoạt động. Ở chân tường hoặc trên giàn giáo phải lót ván hứng vữa.

1.2.    Nếu bề mặt nền trát khô, cần phun nước làm ẩm trước khi trát.

1.3.    Tất cả những dụng cụ cần thiết phải mang ra chỗ tô để vào vị trí nhất định để lúc làm không phải tìm kiếm. Chỗ tô phải có thùng tưới tường trước khi tô. Tô đến đoạn nào phải tưới cho đoạn ấy ướt và sạch, khi đã tưới nước rồi nhưng đến khi tô, nếu chỗ tô bị khô thì phải tưới nước lại rồi mới tô tiếp.

1.4.    Công tác ghém:

-   Để có cơ sở làm mặt tường được phẳng đều thì trước khi tô phải làm sẳn các mốc ghém ở trên và dưới cả bốn góc chỗ bức tường định tô.

-   Trước khi làm mốc ghém phải xem lại bức tường có thẳng hay không để làm mốc ghém được phẳng đều.

-   Người tô lấy vữa tô lên ngọn tường từ góc bên nọ đến góc bên kia làm thành hai mốc trước. Mỗi mốc ghém vuông có cạnh 10 cm, chiều dày vừa bằng lớp tô.

-   Trường hợp tường có chỗ lồi ra (không đục bạt đi được) hoặc tường, trụ bị xây lả thì phải dựa vào chỗ lồi ra mà làm mốc (dày độ 5 mm) rối chiếu kích thước chỗ mốc này làm những mốc khác ở các cạnh để tô cho bằng phẳng.

-   Khi tô những chỗ có cửa thì căn cứ vào mặt khuôn cửa mà căng dây làm mốc ghém cho ăn phẳng với cửa.

2.   Yêu cầu kỹ thuật của hỗn hợp vữa :

2.1.    Thành phần hỗn hợp vữa phải được kiểm tra thí nghiệm và được sự chấp nhận của chủ đầu tư trước khi tiến hành tô trát. Để bảo đảm hỗn hợp vữa trộn đúng tỷ lệ và dễ kiểm tra, kiểm soát; Giám sát công trường dựa vào cấp phối đã thí nghiệm để lập một bảng tỷ lệ trộn, treo nơi giám sát, công nhân dễ thấy (đơn vị đo lường ở công trường thường sử dụng là thùng sơn nước     18-20 lít) để công nhân dễ hiểu, bảo đảm trộn đúng tỷ lệ cấp phối .

2.2.    Công tác trát nên tiến hành sau khi đã hoàn thành xong việc lắp đặt mạng dây ngầm và các chi tiết có chỉ định đặt ngầm trong lớp trát cho hệ thống điện, điện thoại, truyền hình, cáp máy tính… (đóng lưới thép các đường cắt, đục tường để chống nứt)

2.3.    Trước khi trát, cần chèn kín các lỗ hở lớn, xử lý cho phẳng bề mặt nền trát.

2.4.    Lắp và chèn các khuôn cửa sổ, cửa đi, nhét đầy vữa vào các khe giữa khuôn cửa với tường.

2.5.    Lắp đặt hệ thống cấp và thoát nước, kiểm tra các liên kết và đầu mối của hệ thống ống dẫn.

2.6.    Vữa dùng để trát phải đúng yêu cầu thiết kế.

2.7.    Khi trát nhiều lớp phải đảm bảo các lớp trát có sự gắn kết và tương thích về độ dãn nở, co ngót.

2.8.    Khi trát tường, trát trần với diện tích lớn, nên phân thành những khu vực nhỏ hơn có khe co dãn hoặc phải có những giải pháp kỹ thuật để tránh cho lớp trát không bị nứt do hiện tượng co ngót.

2.9.    Nếu bề mặt nền trát không đủ độ nhám bám dính, trước khi trát phải tạo nhám bằng cách phun hồ xi măng cát, đục nhám… và các biện pháp tạo khả năng bám dính khác. Phải trát thử để xác định độ dính kết cần thiết trước khi tiến hành trát đại trà.

2.10. Ở những vị trí tiếp giáp giữa hai kết cấu bằng vật liệu khác nhau, trước khi trát phải được gắn một lớp lưới thép phủ kín chiều dầy mạch ghép và phải trùm về hai bên ít nhất một đoạn từ 15 cm đến 20 cm. Kích thước của ô lưới thép không lớn hơn 3 cm.

2.11. Cát chế tạo vữa trát phải đạt được kích thước hạt cốt liệu lớn nhất (Dmax) ≤ 2,5 mm khi trát nhám mặt hoặc trát các lớp lót và (Dmax) ≤ 1,25 mm khi trát các lớp hoàn thiện bề mặt.

3.   Thi công trát :

3.1.    Khi đã làm các mốc ghém, người cán và người xoa vì chưa có việc làm ngay nên có thế cứ tiếp tục việc sửa tường và tưới ướt tường.

3.2.    Tô phía trên trước, phía dưới sau, tô từ góc tô ra, tô nhát sau phải liền mí với nhát trước, mặt vữa chỗ giáp mí phải bằng phẳng. Khi tô lớp một được một khoảng vừa tầm thước cán mà thấy vữa đã se mặt, vừa khô thì quay lại lấy vữa tô tiếp lớp thứ hai cho cả hai lớp vữa dày vừa bằng mặt mốc ghém đã làm.

3.3.    Lúc tô nên chừa các mốc ghém lại và cố gắng tô mặt tường cho phẳng để người cán không phải sửa chữa nhiều.

3.4.    Cán thước :

-    Sau khi đã tô xong, thấy mặt vữa se mặt thì người cán lấy thước dựa trên các mốc ghém cán thành hai đường cữ dọc làm chuẩn bị để cán cho mặt tường được phẳng. Khi cán xong, gạt sạch vữa ở thước, rà lại mặt tô một lần nữa xem chỗ nào còn lõm thì bù thêm vữa, chỗ nào lồi thì gạt vữa đi cho mặt tô phẳng đều.

-    Cứ thế cán xong đoạn này, tiếp tục chuyển sang đoạn khác. Khi cán sang đoạn khác, lúc rà thước phải đưa một phần hai thước sang chỗ cán trước để rà cho các đoạn tô cùng nằm trên một mặt phẳng.

3.5.    Xoa nhẵn :

-    Sau khi cán thước xong, thì người thợ bắt tay vào xoa, xoa từ trên xoa xuống, xoa những chỗ giáp mí trước cho đều. Khi xoa chỗ nào khô thì thêm nước vào, chỗ nào ướt quá thì chờ cho ráo mặt mới xoa tiếp không nên xoa ép dễ bị rạn nứt. Cứ thế xoa hết chỗ này loang dần đến chỗ khác làm cho mặt tường được phẳng, mịn, đều.

3.6.    Chiều dầy lớp vữa trát phải đúng theo thiết kế quy định.

3.7.    Chiều dầy lớp trát trần nên trát dầy từ 10mm đến 12 mm, nếu trát dầy hơn phải có biện pháp chống lở bằng cách trát trên lưới thép hoặc trát thành nhiều lớp mỏng.

3.8.    Đối với trát tường, chiều dày khi trát không nên vượt quá 12 mm, khi trát với yêu cầu chất lượng cao không quá 15mm và khi trát với yêu cầu chất lượng trát đặc biệt cao không quá 20mm.

3.9.    Chiều dầy mỗi lớp trát không được vượt quá 8mm. Khi trát dầy hơn 8 mm, phải trát thành hai hoặc nhiều lớp.     

Khi trát nhiều lớp, phải tạo nhám bề mặt để tăng độ bám dính cho các lớp trát tiếp theo. Khi lớp trát trước se mặt mới trát tiếp lớp sau. Nếu mặt trát quá khô thì phải phun ẩm trước khi trát tiếp. 

3.10. Khi trát các lớp trát đặc biệt trên bề mặt kết cấu như trát gai, trát lộ sỏi, trát mài, trát rửa, trát băm chiều dầy lớp trát lót tạo phẳng mặt không được vượt quá 12 mm, chiều dầy của lớp trát hoàn thiện bề mặt không được nhỏ hơn 5mm. Ngoài ra cần tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chính sau :

-   Trát gai: Sau khi tạo nhám mặt trát có thể dùng bơm phun hoặc thiết bị chuyên dùng để phun vữa bám vào mặt trát hoặc dùng chổi vẩy nhiều lần, khi lớp đầu se khô mới vẩy tiếp lớp sau.  

-   Trát lộ sỏi: Trát bằng vữa xi măng cát có lẫn sỏi có cỡ hạt khoảng từ 5mm đến 10 mm. Chiều dày trát không vượt quá 20mm, mặt trát phải chắc đặc. Khi vữa đóng rắn sau lúc trát khoảng từ 4-5 giờ thì tiến hành đánh sạch lớp vữa ngoài để lộ sỏi, đá.

-   Trát mài: Trước hết phải trát lót tạo phẳng mặt trát bằng vữa xi măng cát vàng mác ≥M75. Chiều dầy từ 10mm đến 15 mm. Tạo nhám và chờ cho khô. Tiếp theo tiến hành trát lớp trát hoàn thiện trên lớp trát lót. Thành phần vật liệu của lớp trát hoàn thiện gồm hỗn hợp xi măng trắng, bột đá mịn, bột mầu và đá hạt có kích cỡ từ 5 mm đến 8 mm.

Quy trình thao tác trát mài được tiến hành như sau:

·    Bước 1 - Trộn bột đá với xi măng trắng rồi trộn tiếp với bột mầu. Khi đã lựa chọn xong màu của bột hỗn hợp này cho đá hạt vào trộn đều theo quy định của thiết kế. Nếu không có chỉ định cụ thể có thể trộn với tỷ lệ 1:1: 2 (xi măng: bột đá: đá). Cho nước vào và trộn đến khi thu được vữa dẻo. Trát vữa lên bề mặt lớp trát lót sau đó dùng bàn xoa xát mạnh lên mặt trát và làm cho phẳng mặt. Tiếp tục vỗ nhẹ lên lớp vữa trát cho lớp trát được chắc đặc.

·    Bước 2 - Sau khi lớp trát đã đóng rắn ít nhất 24 giờ, có thể mài bằng thủ công hoặc mài bằng máy sau 72 giờ. Đầu tiên dùng đá mài thô để mài cho lộ đá và phẳng mặt, sau đó dùng các loại đá mài khác để mài mịn bề mặt . Khi mài phải đổ nhẹ nước cho trôi lớp bột đá xi măng. Khi mài, bề mặt trát có thể bị sứt, lõm do bong hạt đá. Để sửa chữa, lấy hỗn hợp xi măng, bột đá và bột mầu xoa lên mặt vừa mài cho hết lõm. Chờ 3 đến 4 ngày sau mài lại bằng đá mịn. 

-   Trát rửa: Thi công mặt trát cũng tiến hành như trát mài bao gồm trát lớp lót, chế tạo vữa trát và thi công trát. Khi vữa trát đã đóng rắn sau khoảng 2-3h giờ thì tiến hành rửa bằng nước sạch.

-   Trát băm: Thi công mặt trát cũng tiến hành như trát mài, Sau khi trát hoàn thành khoảng từ 6 ngày đến 7 ngày, tiến hành băm. Trước khi băm cần kẻ các đường viền, gờ, mạch trang trí theo thiết kế và băm trên bề mặt giới hạn bởi các đường kẻ đó. Chiều băm phải vuông góc với mặt trát và thật đều tay để lộ các hạt đá và đồng nhất mầu sắc.

3.11. Bảo dưỡng :

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc khô hanh, sau khi trát 24h nên tiến hành phun ẩm để bảo dưỡng và phòng tránh hiện tượng rạn nứt trên mặt trát. Phun nước để giữ cho tường luôn ẩm ướt ít nhất 03 ngày    

B.  An toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh môi trường :

a.   Phải tuân thủ theo các biện pháp ATLĐ đã được lập ra.

b.   Kĩ sư, kỹ thuật viên và công nhân cần được học tập quy định về an toàn lao động trước khi thi công và thường xuyên được nhắc nhở. Phân công một cán bộ kiểm tra kỹ thuật ATLĐ.

c.   Công nhân khi làm việc phải có đầy đủ trang bị bảo hộ; phải đeo dây an toàn khi lên cao

d.   Kiểm tra  giàn giáo trong suốt quá trình thi công;

e.   Sau mỗi ca làm việc các thiết bị phải được vệ sinh sạch sẽ và trả lại kho công trường.

II.     KIỂM TRA VÀ NGHIỆM THU :

1.   Nghiệm thu trước khi tiến hành công việc tiếp theo.

2.   Kiểm tra và nghiệm thu :

   - Lớp vữa trát  phải dính chắc với kết cấu, không bị bong bộp. Kiểm tra độ bám dính thực hiện bằng cách gõ nhẹ lên mặt trát. Tất cả những chỗ bộp phải phá ra trát lại.

   - Mặt trát phẳng, không gồ ghề cục bộ

   - Bề mặt vữa trát không được có vết rạn chân chim, không có vết vữa chẩy, vết hằn của dụng cụ trát, vết lồi lõm, không có các khuyết tật ở góc cạnh, gờ chân tường, gờ chân cửa,...

   - Các đường gờ cạnh của tường phải thẳng, sắc nét. Các đường vuông góc phải kiểm tra bằng thước vuông. Các cạnh cửa sổ, cửa đi phải song song nhau. 

 


Đăng ký kênh Youtube để ủng hộ Giakhoan.com - Kênh Nhân công xây dựng Việt Nam
Back to Top